Tăng tốc chuẩn hóa mã định danh công dân làm mã số thuế
Tổng cục Thuế cho biết, hiện đã truy vấn thông tin người nộp thuế cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khoảng 70% tổng mã số thuế cơ quan thuế đang quản lý. Ngành Thuế đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh công tác này, để tiến tới hoàn thành việc sử dụng mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Ngành Thuế đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi mã số thuế theo định danh cá nhân
Phục vụ người nộp thuế thuận lợi nhất
Tại Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính, CSDL thuế với CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử…
Phù hợp với xu hướng quốc tế Định danh số công dân đang là xu hướng toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ nhiều năm trước, trong đó có hai hình thức định danh số phổ biến, đó là: định danh qua căn cước điện tử và thông qua thiết bị di động. Nhiều nước cũng đang áp dụng đồng thời nhiều phương thức nhằm tạo ra một xã hội phát triển trên nền tảng số hiện đại. |
Đề án 06 là đề án quan trọng mang tính đột phá trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia, là một cuộc cách mạng trong bối cảnh chuyển đổi số đang dần đi sâu vào đời sống hàng ngày, đặt ra yêu cầu cấp thiết để thay thế thủ tục hành chính thủ công trước đây, bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng và ưu việt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, thời gian qua, toàn ngành Thuế đã và đang quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi mã số thuế theo mã định danh cá nhân, đồng bộ dữ liệu về thuế đối với CSDL quốc gia về dân cư. Cụ thể, Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp với Bộ Công an để trao đổi thông tin giữa CSDL thuế với CSDL quốc gia về dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế.
Qua thời gian thực hiện, ngành Thuế đã truy vấn được thông tin người nộp thuế (NNT) cá nhân với CSDL quốc gia về dân cư được khoảng 70% tổng mã số thuế cơ quan thuế đang quản lý.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, với quan điểm “Lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số” mà thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi nhất. Theo đó, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho NNT thông qua mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Đồng thời, Tổng cục Thuế đã phối hợp Bộ Công an hoàn thành triển khai tích hợp các dịch vụ thuế điện tử eTax Mobile, eCaNhan với ứng dụng VneID theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Theo đó, cá nhân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào ứng dụng eTax Mobile, iCaNhan; hoặc truy cập ứng dụng VneID vào chuyên mục thuế để tra cứu thông tin, nộp thuế.
Khẩn trương rà soát để chuẩn hóa
Ngành Thuế xác định triển khai rà soát, chuẩn hóa mã số thuế cá nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng để hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDL quốc gia về dân cư và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh làm mã số thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh công tác này để tiến tới hoàn thành việc sử dụng mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cùng với cơ quan Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp trên cả nước đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích NNT là cá nhân thực hiện cập nhật, thay đổi thông tin đăng ký thuế của mình chính xác, tạo thuận lợi cho việc rà soát chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân.
Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có thư ngỏ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, NNT trên địa bàn về việc chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Tại thư ngỏ, Cục Thuế TP. Hà Nội có kèm theo một số hướng dẫn, lưu ý khi cập nhật hoặc thay đổi thông tin đăng ký thuế để NNT quan tâm thực hiện trước khi thực hiện quyết toán thuế năm 2023.
Tại Vĩnh Phúc, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tăng cường công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Để công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, theo đúng tiến độ, đảm bảo đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDL quốc gia về dân cư theo chỉ đạo, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành các quyết định để thành lập Tổ chỉ đạo và Tổ triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu triển khai cụ thể đến từng phòng, từng chi cục thuế.
Còn tại Thừa Thiên Huế, mới đây UBND tỉnh này đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc triển khai rà soát chuẩn hoá dữ liệu mã số thuế cá nhân phục vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo trên, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn NNT rà soát, thay đổi thông tin đăng ký thuế cũng như hướng dẫn thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân.
Lợi ích chuyển đổi mã số thuế theo mã định danh cá nhân Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát là ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế nói riêng để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác thì người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình; các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi thông tin về quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân để tăng cường hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. Do vậy, người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, giảm nhiều khâu thủ tục, giảm giấy tờ cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính công; đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng tiết kiệm được thời gian quản lý, bố trí nguồn nhân lực phù hợp cho từng vị trí công việc. |